Samsung Galaxy J7 Prime là mẫu smartphone tầm trung vừa ra mắt tại Việt Nam đã tiếp tục khơi màu cho cuộc chiến chụp ảnh tự sướng.

Oppo vừa bán F1s ở Việt Nam, model sở hữu camera trước 16 megapixel, tự nhận mình là "chuyên gia selfie". Trong khi đó, Samsung sắp trình làng Galaxy J7 Prime với cảm biến 8 megapixel, nhưng tự hào với độ mở khẩu F/1.9. Cuộc chạy đua giữa hai thương hiệu có thị phần lớn nhất ở Việt Nam trong nhóm trung tiếp tục nóng lên ở lĩnh vực camera selfie.

Kể từ khi Apple khởi đầu trào lưu "ảnh tự sướng" với camera trước trên iPhone 4 năm 2010, trong vài năm ngắn ngủi, máy ảnh trước trở thành tính năng được nâng cấp mạnh. Trong đó, độ phân giải hay số "chấm" là thứ được các nhà sản xuất khoe mẽ nhiều nhất, từ iPhone 4 với VGA, từ 2013, các nhà sản xuất tăng dần số chấm lên 5, 8 thậm chí 13 MP.

Nhiều người trông chờ một cuộc đua số "chấm" tương tự camera sau trước đây, nhưng dường như điều đó sẽ không xảy ra. Dự báo từLumidLeds, xu hướng đến năm 2018, camera trước sẽ có số chấm từ 5-8 MP, với một phần nhỏ 13 MP trở lên, so với hiện tại, thống kê này không quá khác biệt.

Xu hướng smartphone với camera selfie tốt phía trước trở nên phổ biến. Ảnh: Khương Nha.

Khác biệt trong công dụng của camera trước

Trong khi camera sau được tạo ra với mục đích tích hợp máy chụp ảnh vào di động, camera trước được tạo ra trước tiên với mục đích gọi video call, sau đó dần chuyển dịch để phục vụ nhu cầu chính là chụp ảnh tự sướng.

"Có thể nói, camera là một trong những tiêu chí quan trọng mà người dùng thường cân nhắc trước khi quyết định mua sản phẩm mới. Xu hướng “selfie” gần như rất được ưa chuộng với giới trẻ ở độ tuổi từ 15- 30", đại diện FPT Shop cho biết.

Nghiên cứu khách hàng của Luster Premium White, giới trẻ trung bình đăng 25.700 tấm hình selfie lên mạng xã hội trong suốt cuộc đời, hiện tại hơn 300 triệu tấm ảnh trên Instagram có tag #selfie.

DPReview phân tích, với ảnh đăng trên mạng xã hội và xem trên máy tính, tablet, người dùng chỉ cần camera khoảng 3MP để hoạt động, 8 MP là đủ cho hình ảnh sắc nét khi xem trên TV 4K.

Theo đó, một camera trước 5-8 MP có thể nói là đủ, trên 8 MP đã ở mức thừa.

Trên thực tế, thông số về megapixel chỉ là phần nhỏ, không phải là yếu tố chủ chốt để quyết định đến chất lượng ảnh đẹp hay xấu, mà còn chịu ảnh hưởng của cảm biến, thấu kính và cả thuật toán xử lý hình ảnh của mỗi dòng thiết bị.

Tất nhiên, với nhu cầu chụp ảnh ngày càng cao và phức tạp hơn, camera số chấm cao tỏ ra hữu dụng trong nhiều trường hợp.

"Bên cạnh xu hướng selfie, khách hàng trẻ còn có nhu cầu chụp hình theo nhóm bằng camera trước, nhu cầu lựa chọn camera trước có nhiều chấm cũng tăng lên, giúp crop lại để lấy những khung hình đẹp nhất nhưng hình ảnh vẫn đảm bảo độ sắc nét", anh Khoa Phúc, đại diện Sony tại Việt Nam cho biết.

Độ nét trên camera trước không thực sự quan trọng

Chụp ảnh rõ nét chỉ là một phần của câu chuyện, hiện tại, người dùng cần những thiết bị tự biết chụp hình đẹp, nịnh mắt hơn.

Người dùng phổ thông hiện nay có xu hướng chỉ chụp ảnh rồi chia sẻ lên mạng xã hội, hoặc lưu trữ để xem trực tiếp trên điện thoại hoặc máy tính nên những yếu tố khác như về chất lượng ảnh, độ nét, ánh sáng khẩu độ, chống rung… cũng góp phần không kém quan trọng.

Câu chuyện này không chỉ diễn ra tại Việt Nam, đầu năm nay, Forbes đưa tin về hiện tượng người dùng Trung Quốc đổ xô đi mua chiếc máy ảnh selfie trị giá 1.000 USD từ Casio với tác dụng tạo mặt V-line và chỉnh màu da. "Màu da trắng được đánh đồng với đẹp đẽ, người châu Á làm mọi thứ để mình trắng hơn", Forbes bình luận.

Người dùng cần camera giúp mình "đẹp hơn", chứ không phải "nét hơn". Ảnh: Forbes.

Thống kê các dòng máy selfie đình đám hiện nay, có thể thấy chúng dừng lại cũng chỉ ở mức 5-8 MP cho camera trước.

Camera trước gần như là điểm để khách hàng nhớ đến sản phẩm, một "gimmick" (chiêu trò quảng cáo) để bán hàng hơn là yếu tố tạo khác biệt về công dụng. Ví dụ, camera 16MP của Oppo F1s, IndiaExpress cho rằng "khi cuộc chiến cấu hình đang dần đến hồi kết, camera smartphone vẫn là chi tiết thu hút được người dùng. Với Oppo, camera trước là lựa chọn của họ".

Anh Trần Nguyên Trực, Trưởng ngành hàng Viễn thông Di động tại Thế giới Di động cho biết: "Đối với người dùng phổ thông, 'số chấm' hay độ phân giải camera càng cao có thể nói là tiêu chí lựa chọn hàng đầu, đó cũng là yếu tố mà các nhà sản xuất khai thác để đưa thông điệp truyền thông".
Cuộc đua số chấm sẽ nghiêng về khả năng mở khẩu

Tương tự cuộc đua về số chấm camera sau, tăng "số chấm" sẽ yêu cầu tăng kích thước cảm biến, từ đó khiến camera lồi ra, hoặc điện thoại dày lên, đi ngược lại với nhu hướng mỏng nhẹ hiện tại.

"Camera có số chấm càng lớn thì kích thước điện thoại theo đó cũng lớn theo, trong khi người dùng có nhu cầu sở hữu smartphone với thiết kế đẹp, sang trọng; do đó, tôi nghĩ sẽ không có cuộc đua về số chấm camera trước", đại diện một nhà sản xuất cho biết.

Các thương hiệu dường như cũng nhận ra điều này và chuyển dần hướng phát triển, Sony tích hợp OIS để chống rung khi chụp selfie, hay đèn flash trước vào Sony Xperia XA Ultra, iPhone 6S cũng có chế độ flash trước, Samsung bổ sung nhiều chế độ chụp phù hợp với môi trường, filter hình ảnh, làm mịn da...

Đặc biệt, cải thiện khả năng thu nhận ánh sáng, bằng cách mở khẩu tốt được xem là một trong những điểm nhấn của camera selfie. Trong vài năm gần đây, máy ảnh trước từ F/2.2 đang tiến dần về mức dưới F/2.0. Mở khẩu lớn, đồng nghĩa với việc thu nhận ánh sáng, cho phép chụp các bức ảnh selfie trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc xoá phông tốt hơn. Ví dụ, Galaxy J7 Prime với F/1.9 là một model có camera mở khẩu tốt trong nhóm trung cấp.

"Điều mà người ta hướng tới là góc nhìn, tình cảm gửi gắm trong bức ảnh nhiều hơn việc khoe "mình chụp nét không".... Bởi vậy, độ nét đến hiện tại chỉ là thứ yếu. Chụp nhanh, ảnh đẹp, chụp đêm tốt, ứng dụng nhiều tính năng, lưu trữ rộng rãi mới là điều người dùng quan tâm".

Tuy nhiên, vẫn không loại từ khả năng các hãng so kè nhau thông số này, dù cuộc đua đó thực tế chỉ mang lại lợi ích cho các hãng, chứ không phải người dùng.

"Chưa thể kết luận được việc tăng số chấm có thể mang lại hiệu quả tốt... Với nhà sản xuất, dĩ nhiên đó là một lợi thế khi truyền thông", đại diện Thế Giới Di Động kết luận.

Theo Zing

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top