OnePlus bị tố rằng đã dùng những thủ thuật gian lận điểm hiệu năng của chiếc OnePlus 5
Đây không phải lần đầu tiên OnePlus (Trung Quốc) bị tố gian lận trong các bài kiểm tra benchmark trên sản phẩm của mình.

Chỉ vài tháng trước, diễn đàn XDA-developers đã phát hiện 2 chiếc OnePlus 3 và OnePlus 3T được tùy chỉnh để hoạt động với hiệu suất cao nhất trong các bài kiểm tra benchmark. Cụ thể, chip xử lý Snapdragon 821 trong các thiết bị tự động tăng xung nhịp lên 0.98GHz cho nhân nhỏ và 1.29GHz cho nhân lớn khi kích hoạt công cụ benchmark, ngay cả khi CPU không phải xử lý bất cứ tác vụ nặng nào. Kết quả cho ra sau đó luôn cho điểm số cao hơn so với trải nghiệm sử dụng thực tế.

OnePlus sau đó cho biết đây là cơ chế đặc biệt giúp cải thiện hiệu năng dành cho các tác vụ đòi hỏi sức mạnh xử lý cao, và hứa sẽ loại bỏ trong các phiên bản OxygenOS sắp tới (phiên bản ROM quốc tế cho các thiết bị OnePlus).

OnePlus 5 là mẫu flagship mới nhất đến từ nhà sản xuất Trung Quốc vừa ra mắt vào đêm qua. Trong khi không phải lúc nào điểm benchmark cũng đánh giá đúng tuyệt đối hiệu năng hoạt động của thiết bị, OnePlus 5 tiếp tục gây bất ngờ với điểm số benchmark vượt trội hơn so với các thiết bị như Galaxy S8+ hay Pixel XL. Vâng, đúng là những con số trên không bao giờ nói lên toàn bộ sự thật. Theo Android Authority, diễn đàn XDA tiếp tục phát hiện OnePlus một lần nữa thao túng các công cụ benchmark trên OnePlus 5.

Được biết, máy thử nghiệm đã được gửi đến XDA cách đây 10 ngày, vì vậy có thể khẳng định OnePlus tiếp tục sử dụng cơ chế gian lận trắng trợn để tăng tối đa hiệu suất CPU khi chạy benchmark. XDA cho biết nhiều khả năng các thiết bị đánh giá khác cũng bị tình trạng tương tự, khuyên người dùng muốn mua nên thử trải nghiệm máy trực tiếp thay vì xem các con điểm benchmark trên mạng.

Cụ thể hơn, OnePlus tiếp tục sử dụng cơ chế từng dùng để gian lận trên các thiết bị trước. Tất cả các nhân nhỏ đều được giữ mức 1.9GHz khi chạy benchmark, điều đó khiến OnePlus 5 là một trong những thiết bị Snapdragon 835 có điểm số cao nhất trên GeekBench 4.

Một số công cụ benchmark khác như AnTuTu, Androbench, GFXBench, Quadrant, Nenamark 2 hay Vellamo cũng bị "dính chưởng". Nếu không dùng cơ chế này, XDA cho biết chỉ có 24,4% tác vụ đọc được trả về ở mức 1.9GHz cho nhân nhỏ, còn khi bật thì con số này là 95%.


Khi được hỏi, OnePlus cho biết cơ chế này được dùng để người dùng thấy hiệu suất thực sự của OnePlus 5, do đó hãng đã cho ứng dụng benchmark chạy ở trạng thái tương tự các tác vụ thường ngày (bao gồm chơi game, xài app nặng). Ngoài ra khi khởi chạy app, OnePlus 5 cũng dùng cơ chế này để tăng tốc độ mở app.

"Chúng tôi không ép xung, thay vào đó chúng tôi chỉ cho thấy sức mạnh thực sự của OnePlus 5".

Thay vì loại bỏ như lời hứa trước đó, OnePlus lại lý luận chỉ dùng nó để thể hiện sức mạnh của máy. Tuy nhiên, XDA cho rằng việc tăng xung nhịp là không thực sự cần thiết cho nhu cầu hằng ngày của người dùng.

OnePlus là công ty tồn tại dựa trên cộng đồng. Với những bê bối gần đây từ phần mềm, giá cả càng tăng và giờ là những tranh cãi về điểm số benchmark, OnePlus đang đi sai hướng và có thể thất bại thê thảm nếu tiếp tục làm người dùng thất vọng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top